Công nghệ ủ men vi sinh để chế biến thức ăn cho vật nuôi mang lại một hướng đi mới cho các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi. Phương pháp này cho phép người nông dân tận thu hết để chế biến làm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chính sách đối với các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc nhằm giảm giá đầu vào để giảm giá thức ăn chăn nuôi cũng như tăng năng suất. Thế nhưng, nhìn chung giá thức ăn gia súc vẫn cao trong khi đó, giá đầu ra của sản phẩm thịt như hiện nay thì người chăn nuôi vẫn khó có lợi nhuận. Đây có lẽ là nguyên nhân lớn nhất làm cho người chăn nuôi hạn chế việc nhân đàn và không ít hộ chăn nuôi đã bỏ nghề (nhất là đối với chăn nuôi lợn). Thực trạng này nếu không được các ngành, các cấp, các doanh nghiệp chế biến thức ăn nhìn nhận để tìm giải pháp khắc phục, chia sẻ thì ngành chăn nuôi sẽ không đạt được mục tiêu phát triển và ngành chế biến thức ăn gia súc cũng khó có được thị trường ổn định.
Chính vì vậy, công nghệ ủ men vi sinh để chế biến thức ăn cho vật nuôi mang lại một hướng đi mới cho các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi. Phương pháp này cho phép người nông dân tận thu hết để chế biến làm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Phương pháp ủ men vi sinh cũng vô cùng đơn giản và không yêu cầu kỹ thuật cao mà vẫn đem lại hiệu quả tốt. Từ các nguyên liệu sẵn có như ngô, sắn… đưa vào máy băm nghiền để nghiền nát, trộn đều hỗn hợp thức ăn với một lượng men vi sinh phù hợp. Sau đó, cho vào thùng hoặc bao tải có lót ni lông buộc chặt, đem ủ nơi khô ráo, thoáng mát. Thời gian ủ lên men chỉ cần đến lúc thức ăn có mùi thơm mát và chua nhẹ là dùng được. Nên sử dụng lượng thức ăn đã lên men trong 1 – 2 ngày, để lâu thức ăn sẽ quá chua, ảnh hưởng đến chất lượng.
Khi ủ chú ý đảm bảo trộn đều và để hỗn hợp có độ ẩm thích hợp. Sau khi trộn nước xoa tơi đều để sau 15-20 phút, bốc lấy một nắm trên tay rồi nắm tay lại nếu thức ăn thành nắm nhưng dễ dàng bóp tơi ra được là có độ ẩm thích hợp. Nếu nắm thành nắm mà không bóp tơi ra được là ướt quá. Còn nếu nắm không thành nắm được là khô quá. Bên cạnh đó, bà con cần đảm bảo nhiệt độ khi ủ tốt, đặc bịêt trời lạnh phải ủ ở nơi ấm. Ngoài ra, cần đảm bảo sự thông khí tốt trong giai đoạn đầu lên men cũng như độ ẩm thích hợp để thức ăn có độ tơi xốp; khi trộn xong để yên trong vài giờ sau đó không nén và dõ chặt thức ăn vào bao hoặc thùng, không để các bao đè lên nhau…
Tuỳ khả năng về nguồn nguyên liệu tại chỗ để xác định mức phối trộn, nhưng tốt nhất là dùng khoảng 70% hỗn hợp các loại thức ăn đã ủ lên men trộn với khoảng 30% thức ăn đậm đặc công nghiệp để làm khẩu phần cho gia súc ăn. Thức ăn đậm đặc do các nhà máy chế biến thức ăn gia súc cung cấp; thức ăn gồm các loại nguyên liệu tại chỗ đã chế biến ủ men do người chăn nuôi tự phối trộn để tạo ra hỗn hợp thức ăn càng nhiều loại càng tốt. Đối với chủng của men vi sinh (Super Bio) chỉ cần mua 1kg (đã có bán tại các xã thực hiện mô hình), làm theo quy trình trên, người chăn nuôi nhân được 10kg và từ đó có thể tự sản xuất để sử dụng theo nhu cầu.
Bà con chú ý tuỳ theo điều kiện và khả năng khai thác, tận dụng nguyên liệu tại chỗ mà bà con có thể quyết định tỷ lệ phối trộn, có thể sử dụng đến 100% thức ăn ủ men đã phối trộn tại chỗ cho gia súc ăn và cũng có thể với tỷ lệ 50 – 50… nhưng chắc chắn nếu tỷ lệ phối trộn thức ăn tự chế càng cao thì khả năng cân đối về dinh dưỡng, khoáng chất trong khẩu phần thức ăn càng hạn chế. Vì vậy, bà con nên sử dụng một tỷ lệ thức ăn đậm đặc sản xuất công nghiệp, sau đó phối trộn một số loại thức ăn ủ men tự sản xuất (như hướng dẫn trên), bảo đảm sẽ tạo ra một hỗn hợp vừa rẻ, chất lượng tốt, vừa sử dụng được các thức ăn sẵn có của gia đình.
Nguồn: nhachannuoi