Bệnh Khô Chân Ở Gà, Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị

77 Likes Comment

Hôm nay xin mời các sư kê tìm hiểu về bệnh khô chân ở gà, mình thấy nhiều anh em nuôi gà gặp rồi nhưng chưa biết cách chữa vậy nên megachoi.com làm bài viết để anh em tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa bệnh khô chân ở gà.

Bệnh Khô Chân Ở Gà
Bệnh Khô Chân Ở Gà

Thông thường thì gà sẽ mắc bệnh khô chân ở hai giai đoạn chính là lúc mới nở, từ 2 đến 15 ngày tuổi và khi gà đạt trọng lượng trên 1kg. Gà bị khô chân do nhiều nguyên nhân gây ra, đó cũng có thể là triệu trứng của một bệnh. Có tính chất phức tạp nên nếu không phát hiện kịp thời, thực hiện đúng phương pháp điều trị thì sẽ lây lan ra cả đàn, tỷ lệ chết lên đến từ 5 – 30%.

I. BIỂU HIỆN CỦA BỆNH KHÔ CHÂN Ở GA

1. Biểu hiện bên ngoài

Gà bị khô chân sẽ có biểu hiện chân và các cơ bị teo lại do mất nước, phần da chân khô quắt, gầy gò. Lông gà xù lên, có hiện tượng bỏ ăn, hai mắt nhắm nghiền.

Biểu Hiện Gà Bị Khô Chân
Biểu Hiện Gà Bị Khô Chân

Đối với gà con, ngoài một số biểu hiện ở trên thì ta sẽ thấy rõ khi mới nở và trong giai đoạn đầu nuôi úm, chúng sẽ đi lại nhanh nhẹn, hoạt bát, ăn nhiều. Nhưng chỉ sau vài ngày thì bỏ ăn, nằm im một chỗ, đứng co rúm lại, mắt nhắm nghiền.

2. Biểu hiện của một dạng bệnh

Nếu dấu hiệu khô chân là biểu hiện của một bệnh nào đó thì giai đoạn bị khô chân sẽ tùy thuộc vào thời gian phát bệnh.

a. Đối với bệnh Newcastle:

Bệnh Newcastle
Bệnh Newcastle

Bệnh Newcastle ở gà là bệnh do siêu vi trùng gây ra, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi của gà, khả năng lây lan nhanh, tỉ lệ chết từ 90 – 100%. Gà sẽ có biểu hiện xõa cánh, ủ rũ, gà trồng tắt gáy, gà mái ngơ ngác, gầy gò, gà bị chướng diều khô chân (do không tiêu hóa được thức ăn), gà khó thở, da khô, chân lạnh, đi ỉa chảy có phân trắng hoặc phân xanh lẫn nhớt. Giai đoạn cuối của bệnh, con gà có biểu hiện không bình thường về thần kinh, cổ vẹo, mổ không trúng thức ăn.

b. Bệnh tụ huyết trùng:

Bệnh Tụ Huyết Trùng Ở Gà
Bệnh Tụ Huyết Trùng Ở Gà

Bệnh tụ huyết trùng khiến cho gà bỏ ăn, sốt cao, ỉa chảy ra phân màu nâu sẫm dẫn đến mất nước, khô da, khô chân, mào và yếm bị tím tái. Ở thể quá cấp, chúng có thể vừa ăn hoặc đang đẻ cũng có thể lăn ra chết đột ngột.

Bệnh thương hàn có tỉ lệ chết từ 5 – 10%. Biểu hiện của bệnh rất dễ nhận biết, gà ủ rũ, ỉa chảy phân xanh lẫn máu dẫn tới tình trạng thiếu nước, mất nước, xác gầy, chân khô, chậm lớn.

c. Bệnh bạch lỵ ở gà con:

Bệnh Bạch Lỵ Ở Gà Con
Bệnh Bạch Lỵ Ở Gà Con

Bệnh bạch lỵ ở gà con thường do di truyền từ gà mẹ, gà con bắt đầu chết từ khi nở đến 21 ngày tuổi. Biểu hiện của bệnh bạch lỵ ở gà con là gà ốm ủ rũ, nằm bên dưới bóng điện, yếu ớt, mắt vừa nhắm vừa mở, uống nhiều nước, ỉa chảy ra phân xanh, phân dính bết ở phần lông xung quanh hậu môn, mất nước, chân khô, da khô, còi cọc, lông thưa, bị què do viêm khớp.

d. Bệnh Gumboro:

Bệnh Gumboro
Bệnh Gumboro

Bệnh Gumboro thường xảy ra mạnh ở gà con từ 3 – 6 tuần tuổi, tỷ lệ chết cao. gà bị bệnh Gumboro có biểu hiện suy nhược, ủ rũ, đi loạng choạng, ỉa chảy, phân có máu trắng xám hoặc xanh lá cây có lẫn nhiều nước dẫn tới khô chân, bỏ ăn, run rẩy…

II. NGUYÊN NHÂN GÀ BỊ KHÔ CHÂN

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến bệnh khô chân là do cơ thể mất nước. Đối với mỗi giai đoạn thì sẽ có từng nguyên nhân cụ thể.

1. Giai đoạn gà mới nở

Gà con mới nở từ máy ấp trứng hoặc do gà mẹ ấp thì vài ngày đầu tiên, chúng rất ít khi bị bệnh. Tuy nhiên nếu quá trình vận chuyển từ trại giống về chuồng nuôi úm không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì vài ngày sau khi nuôi, gà con cũng có biểu hiện khô chân.

Trong giai đoạn nuôi úm, hầu hết các trường hợp gà bị khô chân là do mật độ nuôi úm quá cao, nhiệt độ môi trường và bên trong chuồng úm cao dẫn đến tình trạng mất nước.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến gà con bị khô chân là do thiếu nước. Có thể do người nuôi không cung cấp đủ nước hoặc cách bố trí máng uống không hợp lý khiến cho gà con không uống được nước. Hoặc gà con bị bệnh ỉa chảy, bệnh di chuyển từ phôi nên yếu ớt, mất nước.

Môi trường nuôi úm không sạch sẽ, chất độn chuồng không được xử lý, thay dọn thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến gà con bị bệnh thương hàn dẫn đến ỉa chảy, giảm sức đề kháng, có các dấu hiệu khô chân, khô mỏ, chết non.

2. Giai đoạn gà đạt trọng lượng trên 1kg

Nguyên nhân khiến gà trưởng thành bị bệnh khô chân là do chúng không được cung cấp đủ nước, thiếu nước.

Chế độ ăn uống không phù hợp khiến cho gà bị thiếu hoặc mất cân bằng dinh dưỡng. Gà ăn quá nhiều chất cơ, có hiện tượng bị bội thực thức ăn, nước uống hoặc bị nghẽn đường ruột, nấm diều… cũng sẽ có khả năng cao bị khô chân.

Trong quá trình nuôi không thực hiện đúng lịch tiêm vacxin hoặc thuốc để phòng bệnh thương hàn, bạch lỵ…

Một số nguyên nhân được ghi nhận là do gà mắc bệnh thương hàn, bệnh newcastle (bệnh gà rù), bệnh tụ huyết trùng, bệnh bạch lỵ ở gà con… khô chân sẽ là một trong những biểu hiện của các bệnh này.

III. CÁCH CHỮA GÀ BỊ KHÔ CHÂN

1. Với gà mới nở:

Cách li riêng những con có biểu hiện bị bệnh khô chân để tiện cho việc theo dõi, điều trị, phòng trừ trường hợp lây lan sang cả đàn.

Duy trì nhiệt độ úm thích hợp, kiểm tra những biểu hiện hàng ngày của gà trong chuồng úm, tránh tình trạng quá nhiệt. Duy trì khoảng 60 – 100 con gà/ bóng tùy theo mùa, bóng đen treo cách cách mặt đất từ 50 – 60cm.

Không nên úm gà với mật độ quá cao, đồng thời thay đổi diện tích úm theo từng ngày tuổi phát triển của gà con. Với một quây úm 6m2, anh em nên úm khoảng 350 con gà vào mùa hè và 400 con gà con vào mùa đông.

Treo máng uống đúng cách, đủ số lượng, thường thì với 400 con gà con sẽ cần 6 bình uống 2 – 4 lít nước.

Thức ăn cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, cung cấp đủ chất đạm (tỉ lệ % chất đạm trong thức ăn sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu dinh dưỡng của mỗi giai đoạn phát triển).

Dùng thuốc Florfenicol 4% hoặc Trimethoprim + Sulfamethoxazole để trộn vào nước uống hoặc thức ăn cho chúng ăn liên tục 5 ngày đêm.

2. Với gà trưởng thành:

Sử dụng thuốc kháng sinh như Pharmequin, Pharamox, Ampicol liều lượng 1g/1 lít nước sạch pha vào nước uống của gà hoặc có thể dùng Pharcolivet liều lượng 10g/2,5 lít nước pha với nước uống cho gà, duy trì liên tục từ 4 – 5 ngày đêm để không chế sự lây lan của vi khuẩn.

Cách ly gà bị bệnh, có phương án tiêu hủy nếu gà bị chết để tránh lây lan sang cả đàn.

3. Gà bị khô chân do bệnh Newcastle

Bệnh Newcastle thì hiện nay chưa có cách chữa trị hữu hiệu. Anh em cần thực hiện đúng lịch tiêm vacxin phòng bệnh cho gà: tiến hành nhỏ mắt, mũi, miệng bằng vacxin lasota khi gà con dưới 2 tháng tuổi; Tiêm vacxin Newcastle hệ 1 cho gà sau 2 tháng tuổi.

4. Do bệnh tụ huyết trùng

Khi gà có những biểu hiện của bệnh tụ huyết trùng, anh em sử dụng Streptomycin 1gr (1 lọ) dùng để tiêm vào bắp đùi cho 10 con gà trong 1 lần, duy trì tiêm trong 2 – 3 ngày. Ngoài ra, anh em cũng nên trộn thuốc toi thương hàn hoặc thuốc toi gà vào thức ăn để chúng ăn từ 3 – 5 ngày liên tiếp.

5. Do bị bệnh thương hàn

Trường hợp gà mới có biểu hiện bị bệnh, Anh em có thể điều trị bằng kháng sinh như colistin, imequyl, flumequil, florphenicol, hoặc những kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon,…và sulfamide để làm giảm sự phát triển của mầm bệnh.

Sử dụng thuốc kháng sinh kanamycin 1ml/5kg thể trong để tiêm vào bắp đùi cho gà. Pha thêm thuốc Imequyl 1gr/2 lít nước sạch cho gà bị bệnh uống từ 3 – 5 ngày liên tục.

6. Trị bệnh khô chân ở gà con do bị mắc bệnh bạch lỵ

Gà con bị bạch lỵ thường sử dụng kháng sinh để điều trị:

Tetracyclin 150 – 200mg/1 kg thể trọng, dùng liên tục từ 7 – 10 ngày, chia đều cho các con bị bệnh.

Furazolidon 150 – 350g/ 1 tấn thức ăn, dùng liên tục từ 7 – 10 ngày, chia đều cho gà bị bệnh.
Genta – costrim 1g/10kg thể trọng gà, đem pha với nước uống hoặc trộn đều với thức ăn, cho ăn dùng liên tục từ 3 – 5 ngày.

Neotesol 100mg/1kg thể trọng gà, đem pha với nước hoặc trộn cùng thức ăn cho gà con ăn liên tục từ 3 – 4 ngày.

Nếu gà bị chướng diều khô chân thì dùng bơm để tiêm nước vào miệng dọc theo lưỡi đến họng, không để nước chảy vào lỗ thở. Cách này cần phải tuyệt đối khéo léo nếu không sẽ làm thủng diều gà. Đồng thời tiến hành xoa bóp bầu diều, đặt gà nằm ngửa ra để thức ăn trào ra ngoài. Anh em cũng có thể dùng thuốc kháng sinh như Mekozym và Mekosal đem pha vào nước cho gà uống liên tục 6 – 7 ngày.

IV. Phòng bệnh gà khô chân

Phòng Bệnh Gà Bị Khô Chân
Phòng Bệnh Gà Bị Khô Chân

Để giảm thiểu nguy cơ đàn gà bị khô chân chướng diều, khô mỏ, anh em áp dụng một số biện pháp phòng bệnh sau:

Thực hiện tốt nhất 3 khâu: ăn sạch – uống sạch – ở sạch. Đặc biệt nguồn thức ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, số lượng, không bị ôi thiu ẩm ốc, không nhiễm bệnh… Anh em cũng có thể sử dụng một số loại máy móc như máy băm nghiền đa năng, máy trộn thức ăn chăn nuôi, máy ép cám viên… để chủ động phối trộn sản xuất thức ăn cho gà.

Thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh bằng vacxin theo tuổi, liều lượng, đúng yêu cầu kỹ thuật.

Ngăn ngừa mầm bệnh phát tán và lây lan sang các khu vực khác ở trong khu trại nuôi bằng cách tiêu diệt côn trùng gây hại, không cho khách vào tham quan khi gà đang bị bệnh, không vận chuyển thức ăn nước uống…. ra khỏi ổ dịch bệnh.

Sát trùng, vệ sinh chuồng trại, nền chuồng, bờ tường, xung quanh trước khi thả gà vào.
Chuồng đang nhốt gà trên 30 ngày tuổi thì trung bình cứ 2 – 3 tuần phải phun sát trùng bằng formol 2% hoặc dipterex 6,5g/lít nước vào các khu vực như trần, rèm, lưới, chất độn chuồng, máng ăn, máng uống…

Nuôi với mật độ được khuyến cáo để đảm bảo không khí lưu thông tốt nhất cho đàn gà.

Trên đây là toàn bộ các nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng trị về bệnh khô chân ở gà. Bệnh này có tính chất lây lan và gây thiệt hại lớn, do đó anh em nên quan sát thường xuyên, phát hiện sớm nhất và điều trị kịp thời để giảm rủi ro, bảo vệ đàn gà khỏe mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

Về tôi: Trong Cafe

Mình là Nguyễn Văn Trọng, hơn 10 năm chơi gà chọi mình đã đạt được mọi danh hiệu C1 Miền Bắc nhưng toang cũng khá nhiều. Tóm lại sau gần 10 năm chơi gà được mỗi cái kinh nghiệm. Giờ chia sẻ lên blog này là hết :D Xem thêm...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.